HD
2587 lượt xem Download

Giải Phóng (1968-1971)

Liberation aka Освобождение (1968-1971)

1968-1971 Soviet Union, Poland, Yugoslavia, East Germany, Italy Russian

Nội dung

Liberation – Освобождение (Giải Phóng) là bộ phim sử thi hoành tráng gồm 5 phần được dựng theo tiểu thuyết cùng tên đã được phục chế tỉ mỉ và chuyển sang phim kỹ thuật số – Bluray. Năm 1972 khi bộ phim này công chiếu, chưa hề có bộ phim tài liệu dài 22 tập do Nga, Anh, Pháp và Mỹ hợp tác sản xuất. Cũng chưa có bộ phim ấn tượng Saving Private Ryan (1998) của Mỹ. Và cũng chưa có các kỹ thuật kỹ xảo máy tính điêu luyện, có thể giúp tạo ra những cảnh quay quần chúng tầm cỡ toàn thế giới. Thế nhưng tại 125 nước mà bộ phim được trình chiếu, khán giả đã thực sự sửng sốt trước những gì họ chứng kiến trên màn ảnh. Đó không chỉ là ấn tượng về những cảnh chiến trận phi thường, câu chuyện bi thảm của những con người bình thường trong chiến tranh, mà còn là những ấn tượng trước câu chuyện trung thực về việc ai đã điều khiển và điều khiển như thế nào cuộc đấu tranh khủng khiếp giữa cái Thiện và cái Ác. Một nửa tỉ khán giả trên toàn thế giới cùng đứng dậy vỗ tay hoan nghênh các vị anh hùng đã giải phóng thế giới khỏi thảm họa phát xít.
Năm phần của bộ phim lịch sử Giải Phóng đã phản ánh những sự kiện quan trọng nhất của cuộc chiến tranh Thế giới II trên mặt trận Liên Xô và Đức. Đó là trận đánh trên vòng cung Kursk – cuộc giáp chiến bằng xe tăng lớn nhất trong lịch sử, các chiến dịch tấn công trong giai đoạn 1944 – 1945 và cuộc tổng tiến công thắng lợi vào Berlin. Các tác giả của bộ phim sử thi đồ sộ này hình dung rất cặn kẽ về những gì mà họ muốn kể với khán giả. Chính bản thân họ đã đi qua suốt cuộc chiến tranh từ đầu đến cuối, nên họ biết rõ cái giá của chiến tranh. Đạo diễn Yuriy Ozerov, nhà làm phim chiến trận nổi tiếng của Liên Xô từng là một chiến sĩ pháo binh đã trực tiếp tham gia nhiều trận đánh, khi kết thúc chiến tranh mang quân hàm thiếu tá. Vào một thời điểm ác liệt của cuộc chiến tranh, ông đã tự nhủ rằng, nếu được sống sót thì nhất định ông sẽ kể lại mọi chuyện đã xảy ra như thế nào. Ông mất năm 2001, thọ 80 tuổi. Người viết kịch bản thứ nhất là Yuri Bondarev – Anh hùng Lao động XHCN 1984. Ông sinh năm 1924 và cũng là thiếu úy pháo binh trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại: tham gia chiến dịch Vượt sông Dniepr và giải phóng Kiev. Ông đã được tặng thưởng “Huy chương dũng cảm” tới 2 lần vì đã cùng đồng đội tiêu diệt được nhiều hỏa điểm, xe quân sự, xe tăng cùng nhiều binh lính và sĩ quan Đức. Năm 1994 ông từ chối nhận Huân chương “Vì tình hữu nghị các dân tộc” do Tổng thống Nga Boris Yeltsin tặng nhân dịp 70 tuổi. Tác giả kịch bản thứ 2 là Oskar Kurganov – nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng Xô Viết… là người được chọn tham gia vào chuyến bay qua Cực bắc nổi tiếng vào năm 1937. Nhưng vì máy bay đã quá tải nên ông phải dừng lại. Việc đó đã giúp ông sống sót vì chuyến bay ấy sau đã gặp tai nạn và không một ai trong số 6 thành viên sống sót. Ông mất năm 1997 (90 tuổi)…
Đạo diễn Yuriy Ozerov đã xây dựng bộ phim truyện xác thực một cách đáng kinh ngạc. Tham gia đóng bộ phim này là những người lính thực sự, những chiến sĩ lái máy bay lừng danh, toàn bộ kỹ thuật quân sự và khí tài hoàn toàn phù hợp với trang bị của Hồng quân Liên Xô trong thập kỷ 40. Kết cục của bộ phim – cuộc tấn công tòa nhà Quốc hội Đức đã được quay ở ngoại ô Berlin, tại những di tích hoang tàn của cuộc chiến tranh mà tại thời điểm đó người ta còn bảo tồn được. Tuy nhiên, giá trị chủ yếu của bộ phim này không chỉ nằm trong tính xác thực của nó: “Trong vòng 30 năm trở lại đây (1971), lịch sử phim ảnh thế giới chưa làm được bộ phim nào phân tích một cách nghiêm túc các sự kiện trong chiến tranh thế giới II như vậy !” – nhà phê bình điện ảnh Nga Daniil Dondurey nói. Bộ phim này hấp dẫn ở tầm nhìn về chiến tranh. Nó đồ sộ trong bất cứ chiều đo nào : đó là dung lượng của khuôn hình, là số lượng nhân vật, là tính chất đa tầng lớp của câu chuyện. Từ câu chuyện của binh lính và sĩ quan, đến các vị tướng soái, Stalin và Hitler… Đó là những ưu điểm của bộ phim. Nó lôi cuốn và khiến người ta say mê, bởi đã kể về một chiến thắng vĩ đại trong một cuộc chiến tranh vĩ đại.
Trước khi làm phim Giải Phóng, ê kíp làm phim đã phải xin tư vấn hàng trăm người đã tham gia vào các sự kiện. Thậm chí người ta mời cả cháu trai của Thống chế Erwin von Winzleben, một trong những người tham gia vào âm mưu ám sát Hitle tháng 7 năm 1944 để tham khảo một số sự kiện. Trong quá trình viết kịch bản, Yuri Ozerov muốn Georgi Konstantinovich Zhukov làm cố vấn trưởng của phim. Tuy nhiên, ông đã không tính đến tình hình của những năm đó. Vị Nguyên soái đã nghỉ hưu nhưng vẫn có uy tín rất lớn trong quân đội và Đảng. Điều đó làm cho một số Nguyên soái đương chức, các nhà lãnh đạo không thích. Chính vì vậy, Đại tướng Sergei Shtemenko, tác giả cuốn “Bộ Tổng tham mưu Xô Viết trong Chiến tranh Vệ quốc” nổi tiếng đã được mời làm cố vấn…
Bộ phim được làm ròng rã 4 năm trời (1968 – 1972). Việc xây dựng ra bộ phim sử thi cần một ngân sách lớn. Mặc dù việc sản xuất bộ phim được có sự tham gia của một số nước XHCN châu Âu, nhưng phần đáng kể của ngân sách này đã được Liên Xô cung cấp. Trang phục và vũ khí là một phần đáng kể trong chi phí. Bộ quân phục của Stalin, người ta phải tìm ra ông thợ may trước đây đã may đo cho Stalin. Quân phục của Đức, vì thiếu bản gốc, cũng được may. Mũ sắt, để tiết kiệm trọng lượng được làm bằng nhựa và sản xuất tại công ty con của Mosfilm. Các huân huy chương của Đức cũng được thực hiện ở đó. Quân phục của Liên Xô được lấy từ các nhà kho, nơi nó được bảo quản kể từ sau Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Khó khăn lớn nhất nảy sinh với thiết bị quân sự, đặc biệt là với các thiết bị của quân đội Đức. Cả Liên Xô và CHDC Đức đều không có xe tăng “Tiger”, “Panther” hoặc “Ferdinand” có thể dùng được vì đã cũ và hỏng hết. Do đó, trên khung gầm của xe tăng T-34-85 của Liên Xô và T-44 sau chiến tranh, có hình dáng khá thấp để lắp đặt các tháp giả với cây thánh giá và các thuộc tính đặc trưng khác của xe bọc thép Đức. Nguyên soái Rodion Malinovsky (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó) ra lệnh phân bổ thêm khoảng 100 xe tăng T-55 của Liên Xô, đơn giản là được sơn lại dưới những chiếc của Đức. Tuy nhiên, thiết bị chiến tranh của LX được sản xuất sau chiến tranh ngay cả trong các tập phim lớn rất dễ nhận ra. Tương tự , người ta phải tân trang lại các máy bay chiến đấu của cả Đức và Liên Xô, các xe ô tô trên cơ sở những gì có sẵn cho giống với thời kỳ chiến tranh… Hơn 3000 binh sĩ đã tham gia đóng phim, chưa kể làm các công việc phụ cũng phải trên dưới 400. Các trận đánh diễn ra gần giống như các trận chiến thực sự: sở chỉ huy, thông tin liên lạc được thực hiện, máy bay trực thăng bay vòng quanh chiến trường, tiếng xe tăng gầm rú… Sự phối hợp, hành động của tất cả các quân binh chủng của quân đội trong trận chiến không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, nhưng nó đã được giải quyết ổn thỏa. Có 51 nhân vật lịch sử có thật trong phim. Các vai chính có hơn 110 người do các Nghệ sĩ Liên Xô đóng. Ngoài ra các nước khác: Đức – 33, Balan – 12, Ý – 1 (Ivo Garrani trong vại Benito Mussolini), Rumani – 1… Việc lựa chọn diễn viên đóng những nhân vật lịch sử không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Vấn đề chính là gần như tất cả các nguyên mẫu của bộ phim vẫn còn sống. Hầu hết trong số họ giữ vị trí cao và rất quan tâm đến cách họ sẽ được thể hiện trên phim như thế nào. Chưa kể đến một số tướng lĩnh, sĩ quan đã bị thanh trừng dưới thời Stalin hậu chiến tranh và cả dưới thời Nikita Khrushov. Đề cao công trạng của họ trong chiến tranh cũng là vấn đề tế nhị, ở đây ta có thể thấy cụ thể một số trường hợp như các Nguyên soái Semyon Budyonny, Lavrentiy Beria, Grigory Kulik… Để làm điều này, đòi hỏi tính chân thực của bộ phim phải rất cao.
Nói tóm lại, bộ phim Giải Phóng là một trong những bộ phim về đề tài chiến tranh hay nhất mọi thời đại.

https://thuvienhd.xyz

Hình ảnh

Xếp hạng IMDb 7.3 Bình chọn

Thông tin chi tiết

Để lại ý kiến của bạn